Top 10 Những Câu Hỏi Thường Gặp Khi Đi Phỏng Vấn

Để một buổi phỏng vấn diễn ra suôn sẻ và thành công thì sự chuẩn bị kĩ càng của ứng viên là rất quan trọng. Nếu bạn muốn có một màn thể hiện thật tự tin trước nhà tuyển dụng thì bạn không chỉ cần chú trọng về trang phục, phong thái và tinh thần, mà còn phải chuẩn bị trước câu trả lời cho những câu hỏi mà có thể bên tuyển dụng sẽ đưa ra cho bạn nữa. Mời bạn tham khảo top 10 những câu hỏi thường gặp khi đi phỏng vấn dưới đây nhé.

  1. Nhóm câu hỏi về bản thân

Câu hỏi 1: Giới thiệu về bản thân bạn?

Đây là câu hỏi mà 100% nhà tuyển dụng sẽ hỏi ứng viên khi vừa bắt đầu buổi phỏng vấn, nói cách khác, bạn có tạo được ấn tượng tốt cho họ hay không là dựa vào phần trả lời này. Nên nhớ, khi nhà tuyển dụng hỏi câu này nghĩa là họ muốn biết thêm những thông tin khác về bạn – những thứ không nằm trong CV mà bạn đã nộp ứng tuyển. Vì vậy, bạn nên chuẩn bị câu trả lời trước để có thể ứng phó ngay khi được hỏi.

Thời gian tiêu chuẩn cho câu hỏi này là khoảng 2 phút, hãy cố gắng trả lời ngắn gọn nhất có thể nhưng vẫn đảm bảo cung cấp cho họ những thông tin thú vị về bạn như sở thích liên quan tới công việc hay mô tả tính cách của bạn giúp ích cho công việc như thế nào chẳng hạn.

Câu hỏi 2: Mục tiêu nghề nghiệp của bạn là gì

Chắc chắn khi nghe câu hỏi này mà không có sự chuẩn bị trước, bạn sẽ khá bối rối vì tính trừu tượng của nó. Bí quyết đó chính là thay vì trình bày những mục tiêu cao xa hay vĩ mô, hãy mô tả về mục tiêu ngắn hạn của bạn trước. Tuy nhiên, hãy lưu ý rằng bạn nên hướng mục tiêu của bạn liên quan tới vị trí và công việc mà bạn đang ứng tuyển, đó mới là cái nhà tuyển dụng quan tâm vì dựa vào đó, họ có thể đánh giá xem tầm nhìn và hướng đi của bạn có phù hợp với tiêu chí mà công ty đang tìm kiếm hay không.

Câu hỏi 3: Tại sao anh/chị lại chuyển việc?

Có một điều bạn nên ghi nhớ khi gặp câu hỏi này, đó là “Tuyệt đối không nói xấu công ty hoặc đồng nghiệp cũ và lấy đó làm lí do nghỉ việc của bạn.” Thay vào đó, chỉ cần trả lời đơn giản là bạn đang muốn thử sức ở một lĩnh vực mới để tích lũy thêm kinh nghiệm là có thể an tâm qua ải này rồi.

  • Nhóm câu hỏi về công việc

Câu hỏi 4: Kinh nghiệm của bạn trong công việc này?

Khi gặp câu hỏi này, bạn hãy trả lời thành thật nhất có thể về kinh nghiệm mà bạn có được từ công việc cũ và chúng giúp ích gì cho công việc mà bạn đang ứng tuyển. Tự tin là tốt nhưng đừng cố gắng phóng đại về khả năng của bản thân bằng cách nói về những thứ mà bạn không biết hoặc không nắm rõ vì nếu nhà tuyển dụng hỏi sâu hơn về chuyên môn thì sẽ rất nguy hiểm.

Nếu bạn hoàn toàn chưa có kinh nghiệm trong lĩnh vực mới thì hãy khéo léo nói rằng bạn đang muốn theo đuổi lĩnh vực mới này nên đang học quá trình học hỏi và phát triển kỹ năng cần thiết, tránh nói lòng vòng hay dài dòng gây mất thời gian.

Câu hỏi 5: Vì sao bạn muốn ứng tuyển vị trí này?

Mục đích khi đưa ra câu hỏi này là nhà tuyển dụng muốn kiểm tra xem ứng viên có tìm hiểu qua và thực sự hiểu về vị trí mình đang ứng tuyển hay không. Cách tốt nhất để bạn vượt qua câu hỏi này đó chính là nói về kinh nghiệm của bạn đã từng làm ở một vị trí tương đương với những yêu cầu tương tự, sau khi tìm hiểu về tiêu chí mà công ty đang lựa chọn, bạn quyết định ứng tuyển để chinh phục một nấc thang cao hơn trong sự nghiệp. Sẽ không nhà tuyển dụng nào từ chối một ứng viên đáp ứng đủ yêu cầu mà lại còn có kinh nghiệm trong công việc đâu.

Trong trường hợp bạn chưa có kinh nghiệm ở vị trí ứng tuyển, hãy bày tỏ với họ rằng bạn có đam mê hoặc hứng thú với công việc này từ lâu nhưng có cơ hội thử sức, vì vậy khi thấy công ty có nhu cầu, bạn sẵn sàng để ứng tuyển tìm hiểu cũng như cố gắng hoàn thiện dần kỹ năng chuyên môn.

  • Nhóm câu hỏi về khả năng phản ứng

Câu hỏi 6 Tại sao bạn chọn công ty chúng tôi?

Đây là một trong những câu hỏi thường gặp khi đi phỏng vấn phổ biến, khi gặp trường hợp này, bạn nên tìm hiểu trước những thông tin cơ bản về công ty như thành tích công ty đạt được, văn hóa làm việc hay tầm nhìn tương lai của công ty, từ đó bày tỏ rằng bạn đã tìm hiểu và thấy rằng bản thân rất phù hợp với môi trường làm việc tại công ty, vì vậy bạn muốn được ứng tuyển để có cơ hội học hỏi và nâng cao nghiệp vụ bản thân tại nơi đây. Bên cạnh đó thì với những công việc không cần đi công tác nhiều, lí do vị trí công ty thuận tiện cho việc đi lại cũng có thể chấp nhận được để giúp bạn qua ải.

Câu hỏi 7: Khả năng chịu áp lực trong công việc của bạn?

Dù là công việc nào đi chăng nữa thì áp lực và khó khăn là điều hiển nhiên không thể tránh khỏi. Khi trả lời câu hỏi này, hãy cho nhà tuyển dụng thấy bạn là người có thể làm việc hiệu quả trong môi trường áp lực cao. Nói cách khác, đây chính là cơ hội cho bạn thể hiện kĩ năng mềm của bản thân trong mắt nhà tuyển dụng đó.

Câu hỏi 8: Bạn làm cách nào để giải quyết áp lực?

Ở câu hỏi này, nếu bạn có một vài phương pháp cụ thể của bản thân để giải tỏa áp lực thì đừng ngần ngại trình bày nhé. Bạn có thể kể về một trải nghiệm gặp áp lực ở công việc cũ và cách giải quyết của bạn đã hiệu quả ra sao. Còn nếu bạn chưa phải là một người giỏi chịu đựng và giải quyết áp lực, hãy trả lời theo hướng tích cực rằng nếu trong hoàn cảnh quá khó khăn, bạn sẽ không ngại tìm kiếm sự giúp đỡ từ đồng nghiệp và cấp trên, điều này sẽ tăng thêm khả năng làm việc nhóm cho bạn lên rất nhiều.

Câu hỏi 9: Bạn mong muốn mức lương bao nhiêu?

Đây là một câu hỏi khá nhạy cảm mà gần như mọi người đều ngần ngại khi trả lời. Đừng lo lắng quá, khi hỏi bạn câu này nhà tuyển dụng chỉ muốn hiểu thêm về mong muốn của bạn khi ứng tuyển để giúp hai bên hiểu nhau hơn thôi. Bí kíp cho bạn chính là đừng đưa ra một mức lương cụ thể nào, bạn có thể nói theo hướng “Tôi nghĩ công ty sẽ có một mức lương phù hợp với khả năng và trình độ của mình nên công ty có thể đưa ra mức lương đề xuất rồi chúng ta cùng thống nhất con số hợp lý”. Đôi khi công ty có thể đưa ra mức lương hơi thấp so với mong đợi của bạn, đừng vội từ chối ngay, rất có thể họ sẽ có chế độ phúc lợi tốt thì cũng rất đáng để xem xét đúng không.

Câu hỏi 10: Bạn có câu hỏi nào cho chúng tôi không?

Trong quá trình phỏng vấn, đừng quá thụ động chỉ ngồi và chờ được hỏi, bạn nên chuẩn bị trước một vài câu hỏi dành cho nhà tuyển dụng để không bị bối rối hay “đứng hình” khi tới khúc này. Bạn hoàn toàn có thể hỏi về chế độ phúc lợi ở công ty (nếu trong quá trình phỏng vấn công ty chưa đề cập) hay văn hóa làm việc ở công ty như thế nào để hiểu rõ hơn về môi trường mình sẽ làm việc trong tương lai.

Trên đây là top 10 những câu hỏi thường gặp khi đi phỏng vấn, hy vọng sau bài viết này bạn sẽ tích lũy thêm cho bản thân được nhiều kinh nghiệm trước khi bước vào phỏng vấn. Chúc bạn thành công!

Posted in 0